Sớm có chính sách đổi xe máy xăng sang xe điện để hỗ trợ người dân
Nhà nước cần xây dựng chính sách mua xe máy xăng đổi sang xe điện với mức giá hợp lý để tránh việc người dân phải bán tống bán tháo tài sản có giá trị.
Đó chính là khuyến nghị của TS. Nguyễn Xuân Quang - Viện Công nghệ Năng Lượng (Đại học Bách Khoa Hà Nội) trong buổi trao đổi với Báo Lao Động.
Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào việc hạn chế xe xăng dầu lưu thông trong Vành đai 1 tại Hà Nội từ ngày 1.7.2026?
- Xe sử dụng động cơ xăng là phương tiện giao thông phổ biến từ trước đến nay của người Việt với đầy đủ chuỗi cung ứng từ mua bán xe, nhiên liệu cung cấp đến cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng.
Tuy nhiên, Hà Nội là một đô thị lớn với mật độ dân cư cao. Việc sử dụng lượng lớn các phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sẽ không tránh khỏi việc gây ra nhiều ô nhiễm môi trường như phát thải bụi mịn, làm tăng nồng độ CO2, CO tại những điểm chờ đèn xanh đèn đỏ hay những điểm ùn tắc. Từ đó gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người đặc biệt khi các tiêu chuẩn về khí thải động cơ không được kiểm soát như hiện nay.
Việc này cũng nằm trong một xu hướng của chuyển dịch xanh khi các loại hình nhiên liệu hóa thạch có thể dần được thay thế bằng điện. Bước tiếp theo là việc sản xuất điện cũng có thể từ các nguồn năng lượng tái tạo và sạch.
Người dân cần Nhà nước hỗ trợ như thế nào khi chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, thưa ông?
- Nhu cầu đi lại là một nhu cầu thiết yếu của người dân. Việc thay thế một loại hình phương tiện giao thông quen thuộc bằng một loại hình phương tiện khác với số lượng lớn là một thách thức. Cần tính toán từng bước kỹ lưỡng để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Về chuyển đổi từ xe xăng dầu sang xe điện thì Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ nhất định. Đơn cử, hỗ trợ cho các thủ tục đăng ký xe một cách nhanh gọn, tốt nhất là miễn phí. Thực hiện chương trình mua xe xăng đổi sang xe điện với mức giá chấp nhận được hoặc thành lập sàn giao dịch để người dân có thể bán xe máy xăng để người ở vùng khác có thể mua với giá phù hợp theo thị trường. Tránh việc người dân phải bán tống bán tháo tài sản có giá trị của mình.
Bên cạnh đó Nhà nước cần chuẩn bị ngay phương thức và quy trình xử lý chất thải từ các pin quá tuổi thọ cần thay thế, các trung tâm tiếp nhận và xử lý rác thải liên quan đến xe quá hạn sử dụng hoặc cần loại bỏ. Cần ban hành quy chuẩn phòng cháy chữa cháy cho sạc xe điện tại chung cư và khu dân cư, đồng thời có cơ chế để đảm bảo sử dụng pin đạt chuẩn nhằm đảm bảo an toàn cháy nổ.
Với lượng lớn xe điện lưu thông thì hạ tầng điện của TP. Hà Nội cần đầu tư, nâng cấp như thế nào đáp ứng được kế hoạch này, thưa ông?
- Ước tính trong khu vực vành đai 1 có khoảng 450.000 xe máy với tiêu thụ trung bình 0,6 lít xăng/ngày thì trong 1 năm lượng xăng tiêu thụ của xe máy là 98,55 triệu lít xăng/năm. Nếu cộng thêm lượng xăng tiêu thụ bởi ô tô nữa thì lượng xăng sử dụng cho giao thông khoảng 110 triệu lít/năm. Nếu chuyển sang xe máy điện thì tiêu thụ điện tương ứng là khoảng 880 triệu kWh điện do xe điện có hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao hơn xe xăng với tiêu thụ điện trung bình là 1,5-2,5kWh/100km.
Ô tô điện tiêu thụ nhiều hơn với tiêu thụ điện trung bình 15- 20kWh/100km. Tổng tiêu thụ điện của cả ô tô, xe máy nếu chuyển sang điện hoàn toàn có thể là 968 – 1.012 triệu kWh/năm.
Con số 968 – 1.012 triệu kWh/năm này chiếm khoảng 0,33-0,36% tổng sản lượng điện quốc gia chỉ cho một khu vực nhỏ trong vành đai 1 thì cũng gây áp lực lớn cho lưới điện thủ đô và của khu vực vành đai I.
Tiêu thụ điện Hà Nội hiện nay đã đạt mức cao đặc biệt vào mùa hè nắng nóng. Tiêu thụ điện của toàn Hà Nội ngày 8.7.2025 đã lên đến 100,27 triệu kWh mà chỉ riêng khu vực vành đai 1 nhu cầu điện cho trạm sạc là 2,65 -2,77 triệu kWh/ngày thì sẽ gây quá tải lưới điện.
Để thực hiện chủ trương này, trạm sạc là yếu tố quan trọng cần được bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu sạc ngày càng tăng lên. Hà Nội cần đầu tư công vào hệ thống trạm sạc, như kế hoạch được lãnh đạo thành phố đề cập, để đảm bảo đủ cổng sạc tại khu dân cư, bãi đỗ xe, và khu vực công cộng. Nâng cấp lưới điện hạ thế và trạm biến áp tại khu vực Vành đai 1 để đáp ứng tải tăng thêm, đặc biệt vào giờ cao điểm. Cần khảo sát và tính toán tỉ lệ cổng sạc phù hợp cho các khu chung cư (ví dụ: Không cần 1 cổng/xe mà có thể theo tỉ lệ 1:5 hoặc 1:10).