Công khai tên công chức không hoàn thành nhiệm vụ
Bạn đọc Nguyễn Đạt (Điện Biên) hỏi: "Công chức bị xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ” sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi kết quả bị công khai?
Theo Luật Cán bộ, công chức năm 2025, kết quả đánh giá chất lượng công chức, trong đó có nhóm bị xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ”, phải được thông báo đến cá nhân và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Điều 26 Luật Cán bộ, công chức 2025 quy định công chức được xếp loại chất lượng hằng năm theo bốn mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ; không hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả xếp loại này phải được lưu vào hồ sơ công chức, đồng thời công khai trong nội bộ cơ quan.
Việc đánh giá công chức được thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Điều 25 của luật, trong đó nhấn mạnh yêu cầu dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch, khách quan, xuyên suốt và đa chiều.
Nội dung đánh giá phải được lượng hóa tối đa về tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc, gắn với từng vị trí việc làm. Cơ quan, tổ chức cũng phải ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong quá trình theo dõi, đánh giá, xếp loại chất lượng công chức.
Thẩm quyền đánh giá công chức thuộc về người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức. Đối với người đứng đầu cơ quan, việc đánh giá do cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp thực hiện.
Nội dung đánh giá công chức bao gồm các tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, văn hóa công vụ, kỷ luật, năng lực chuyên môn, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp, tinh thần trách nhiệm, khả năng đổi mới, sáng tạo và kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Riêng công chức lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá thêm về kết quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, khả năng tổ chức công việc và năng lực đoàn kết, tập hợp cán bộ.
Chính phủ sẽ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến đánh giá, xếp loại công chức.